Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

VÌ SAO KHÔNG NÊN KHÓC KHI NGƯỜI THÂN MẤT ĐI.

Thấm thoát mẹ tôi đã lên chuyến tàu cuối cùng của cuộc đời, Chuyến tàu chỉ có vé lượt đi mà không có chiều về. Suốt 1 năm qua, Các con của mẹ đã sống thật tốt, sống vui vẻ để mẹ được yên tâm siêu thoát. Mặc dù có nhiều lúc nhớ mẹ vô cùng, Nước mắt cứ chảy ra lại mỉm cười niệm Phật để ngăn lại… Dù sao cũng chỉ là một cuộc chia ly thôi mà.
Qua đêm nay là đến giỗ đầu của mẹ, Mọi thước phim cuộc sống ngày còn mẹ vẫn như đang diễn ra, Cảm giác mẹ vẫn đang ở đó, trong ngôi nhà xưa, mỉm cười rạng rỡ và ngắm nhìn các con cháu quây quần.
Một năm trước, trong đám tang của mẹ, chắc sẽ nhiều người thắc mắc tại sao chị em chúng tôi không khóc như bao nhiêu người khác, Tại sao mẹ trút hơi thở rồi mà chúng tôi vẫn bình thản ngồi niệm Phật xung quanh, tại sao họ hàng đến hỏi thăm đều không cho ai động vào giường mẹ tôi. Tại sao ảnh thờ mẹ tôi lại là bức ảnh mẹ cười rạng rỡ…
Hôm nay khi ngồi gõ những dòng này, tôi đã cho phép mình được khóc để vơi đi nỗi nhớ mẹ rất nhiều. Tới bây giờ tôi tin rằng mẹ đã siêu thoát rồi và tôi sẽ thoải mái khóc mà không sợ làm mẹ đau đớn nữa… Viết những điều này ra, là tôi mong muốn nếu ai đó có duyên thì giác ngộ và hãy làm theo khi có người thân ra đi.
Tại sao khi người thân mất đi chúng ta không nên khóc. Bởi theo Phật Giáo: Đó chính là Báo Hiếu, Nén đau thương tiễn người thân yêu lên chuyến tàu cuối của cuộc đời không phải là việc dễ dàng gì… Nước mắt trào ra, miệng lại niệm Adidaphat.

Mẹ tôi trong những ngày cuối cùng nằm viện, Phòng bệnh lúc đó đều là những bệnh nhân đã đến giai đoạn cuối cùng. Có một nhà sư trụ trì về thăm một bệnh nhân là bố của một Phật tử. Lúc đó sư thầy có tặng cho mẹ tôi và các bệnh nhân cùng phòng một chiếc đài nhỏ trong đó có một số bài niệm phật và Sư thầy dặn anh trai tôi một số điều nếu mẹ lâm chung...( trong đó có việc khi mẹ trút hơi thở cuối cùng cần để mẹ dc nằm bình yên sau 8 tiếng mới dc chuẩn bị hậu sự). Cũng vào giai đoạn đó, tôi tìm hiểu về Phật Giáo và biết rằng, việc niệm Phật cho người bệnh và điều rất tốt. Vì vậy những ngày cuối cùng của mẹ, chị em tôi quây quần bên mẹ niệm Phật cho mẹ nghe. Đến đêm gần cuối của mẹ, Cảm giác như mẹ đang sắp đến giờ rời xa, tôi lại vào mạng tìm hiểu về những việc cần làm khi người thân hấp hối, vẫn gặp những lời khuyên của Phật Giáo, tôi đọc cho các anh chị cùng nghe. Và cả gia đình tôi thống nhất mọi việc hậu sự của mẹ sẽ làm theo Phật Giáo.
Khi linh hồn lìa khỏi thân xác, nếu người thân Hộ Niệm cho người mất bằng cách niệm phật thì người mất sẽ hoan hỉ siêu sinh, ngược lại nếu than khóc sẽ làm cho linh hồn quyến luyến thế gian mà vất vưởng vào 3 đường ác và không có đường về cõi Phật. Hậu quả của tình cảm, của thương yêu bằng cách khóc than sẽ không thể nào cứu nổi.
Chỉ cần lên mạng seach “Những việc cần làm cho người thân lúc lâm chung” là có cả kho tàng kiến thức để chúng ta báo Hiếu. Đừng vì thương yêu sai cách mà làm hại người thân...


Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

NỐT NHẠC

Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến.
Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi của tôi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 đối với một nửa kia chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.
Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối.
Bởi ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, ông chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.
Thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng, mẹ đã có thiện cảm với ông ấy bởi tài nghệ nấu nướng của ông.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: "Bà Hồng này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!".
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, bà đã ở lại. Ông không để bà động tay đến, thoáng chốc đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.
Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: "Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào".
Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp thêm vài người lão niên khác nữa, tuy điều kiện của mọi người mẹ gặp đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.
Lí do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần được người ta chăm sóc lại.
Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau…
Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau.
Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, bên ngoài thì là bày tỏ sự tôn trọng đối với ông, thật ra là thông qua đó tôi thể hiện đẳng cấp của mình.
Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: "Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền".
Chính tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.
Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc.
Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: "Lần sau khi chú Phúc làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút".
Tôi thấy sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.
Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: "Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Nấu ăn, sợ nhất là món ăn mình làm ra không có người ăn".
Hôm chúng tôi ra về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: "Đừng có khen cơm bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được".
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: "Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu".
Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà.
Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ đã đến giúp tôi cúng đất đai gia trạch cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục một cách cẩn thận, kỹ càng, đâu vào đấy. Nhưng, đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng ở trong tình trạng khóa máy.
Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để mang về nhà ăn.
Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng: "Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết".
Mẹ nói: "Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?".
Ông ấy an ủi mẹ tôi rằng: "Em tuyệt đối đừng thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Tân (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó".
Lời của ông khiến mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, cảm giác trong lòng tôi lúc ấy rất phức tạp, đồng thời cũng cảm thấy rất xấu hổ. Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn.
Ông ấy âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi: thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.
Chỉ là không ngờ có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn rất nghiêm trọng. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ thì đột nhiên ngã xuống – bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.
Tôi và con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây.
Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông lúc nào cũng mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.
Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền tiêu đi như nước; ông khóc.
Một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới từ cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.
Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không ló mặt đến một lần. Mỗi lần gọi điện thoại, anh ta đều nói rằng mình đang đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.
Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng đề xuất với tôi rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ chưa đăng ký, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả.
Mẹ nói với tôi rằng: "Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể mang một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được". Đây chính là hiện thực tàn nhẫn.
Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này.
Tôi nói với ông, vẫn đang nằm trên giường bệnh rằng: "Chú Phúc, mẹ con bệnh rồi". Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa. Tôi gắng sức nói tiếp những lời tàn nhẫn: "Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi".
Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp: "Chú Phúc, chúng con còn phải đi làm, mẹ con sức khỏe lại không tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một bảo mẫu cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú".
Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích: "Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần mời bảo mẫu, thật sự không cần…".
Tôi bước ra khuôn viên của bệnh viện mà chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời.
Tôi thuê một bảo mẫu cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không đến đón, mà bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.
Tài xế sau khi trở về đã nói với tôi rằng: "Chú Phúc nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy".
Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không duy trì được bao lâu.
Ngày Tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi cảm thấy có chút buồn tẻ, không còn một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày Tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói: "Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm".
Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng nói nữa, nhưng con lại càng dữ dội hơn: "Tại sao mọi người không để ông nội về nhà đón Tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!".
Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó như là đang đánh vào mặt tôi vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.
Tôi nhìn qua kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Đó là ngày 30 Tết buồn biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, được xây dựng trong sự lặng lẽ của một người.
Không biết giờ này, chú Phúc đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà cảm thấy tủi thân?
Sau khi đón giao thừa xong, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Phúc. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng thì nở nụ cười, nhưng mắt lại đẫm lệ.
Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng cho anh ta một trận, bắt đầu đồ xôi và kho nồi thịt kho cho ông.
Bảo mẫu đã về nhà đón Tết, trong tủ lạnh đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ.
Những nắm xôi nóng hổi cuối cùng đã giúp nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày Tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng, nước mắt lại rơi lã chã.
Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi uống rượu. Tôi đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy thê lương.
Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến: "Anh ở đâu vậy hả?".
Tôi phát hỏa: "Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả? Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm chúng ta phải chăng đã bị chó tha mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!".
Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi: "Con làm vậy là sao?".
Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng: "Về nhà".
Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món mỳ bò, muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi: "Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?".
Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy: "Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy.
Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi".
Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: "Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy".
Tôi nói: "Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?".
Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: "Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!".
Tôi ôm con trai vào lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ấn tượng bất hiếu trong lòng của con.
"Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!".
Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…

Sưu tầm

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Điều kỳ diệu là có thật.

Điều kỳ diệu là có thật. Dù tôi không biết nó kéo dài trong bao lâu. Nhưng tôi tin vào phép màu, tin vào cơ duyên... 

Tôi kể câu chuyện này ra hi vọng giúp cho ai đó đang loay hoay cùng với người thân chống trả lại căn bệnh ung thư mà cả thế giới đang không có phương thuốc nào chữa được. Mẹ tôi bị bệnh, bác sĩ viện K không kê đơn, không có bất cứ lời khuyên nào...Tôi và các anh chị tôi đã phải loay hoay quá lâu để có thể tìm ra niềm tin và những sản phẩm để cùng chiến đấu với mẹ. Phải tự tìm hiểu thì mới tin và mới tìm ra được con đường đi đúng.

Mẹ tôi năm nay 81 tuổi, hồi trẻ mẹ tôi từng bị Áp xe gan... Bỗng dưng năm ngoái mẹ kêu khó chịu và đi khám thì thấy có hình ảnh khối u ở Gan, Bác sĩ Viện K nói đó là vết sẹo của vết mổ cũ mà thôi. Vậy nên gia đình tôi yên tâm và tìm các loại thuốc nam cho mẹ uống, Đến tháng 5/2017, mẹ tôi lại thấy khó chịu và tiếp tục đi khám... Hình ảnh chụp CT có tiêm thuốc cản quang cho thấy khối u trong gan đã 9,5cm... vì mẹ đã già lại khá yếu nên bác sĩ không tiến hành sinh thiết và kết luận " Biếu gan" Cho xuất viện và nói lúc nào vàng da thì nhập viện... Gia đình tôi đủ hiểu biết để xác định rằng mẹ tôi bị ung thư gan và cũng đã đến giai đoạn phức tạp... Dù vậy vẫn có đôi lúc không muốn tin điều đó và nghĩ rằng chỉ đơn giản là vết sẹo cũ, giờ mẹ già nên nó phát triển lên thôi...Tôi nói với mẹ "Ai rồi cũng phải chết,quan trọng là mỗi ngày được sống mình sống phải thật sự vui vẻ, nếu sống mà cứ lo lắng rằng mình đang bị bệnh sắp chết thì đó là một ngày sống mệt mỏi và vô nghĩa, mẹ cứ yên tâm khám tiếp ko sao thì tốt mà có sao cũng chả sao đâu, cứ vui vẻ sống đến lúc chết thôi mẹ ạ".

Nói điều này với mẹ thấy nhói lòng và thương mẹ ghê. Nhưng thấy các con vui vẻ thì tinh thần mẹ cũng thay đổi rõ rệt, sau đó mẹ tôi về quê, uống một vài loại thuốc và thuốc nam... Tôi và các anh chị vẫn tiếp tục công việc hàng ngày của mình, tôi vẫn lên phây búc chém gió và vẫn âm thầm tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ung thư gan., ai mách gì đều tìm hiểu và làm theo...

Đến tháng 8/2017, mẹ bắt đầu có những cơn đau nằm một chỗ và không tự đi lại được...

Gia đình tôi 7 chị em từ miền Nam đến miền Bắc đều đã tập trung về nhà mẹ và chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Lúc ở bên mẹ, chúng tôi nhìn mẹ mà nước mắt cứ rơi, một người chị gái tôi cứ lúc nào đến bên mẹ là khóc nấc lên. Anh trai tôi bỏ công việc và gia đình ở miền nam về bên mẹ, thi thoảng anh giấu các em ra ngoài đứng khóc xong mới vào nhà... Không khí lo lắng, bất lực và u uất bao trùm trong gia đình tôi. Mẹ tôi uống các loại thuốc nam, thuốc bắc được giới thiệu, có lúc mẹ cầm gói thuốc ném đi và cáu vì những cơn đau không giảm mà kéo dài và có phần tăng thêm. Có lúc mẹ khóc trước các con và nói, mẹ biết bệnh của mình rồi, giờ xem có loại thuốc nào giảm đau để tiêm cho mẹ. Những lúc ấy chị em chúng tôi nhìn nhau rồi quay đi giấu những giọt nước mắt lã chã rơi, nỗi đau thấu đến từng thớ thịt vì gần chục đứa con mà không thể làm gì giúp được mẹ. Hình ảnh những ngày cuối cùng bố còn ở lại với chúng tôi từ từ quay chậm lại, và chúng tôi đều hiểu mẹ cũng hiểu rõ bệnh của mình và mẹ đang muốn tiêm Moocphin giảm đau, Nhìn mẹ đau, chúng tôi đau một nỗi đau bất lực của những đứa con không thể đau thay mẹ...
Gia đình tôi phải xoay sở mãi mới chuẩn bị được một ít moocphin để dùng bất cứ lúc nào, thật may mắn là đến giờ số moocphin đó vẫn còn nguyên và chưa phải dùng đến. 

Công việc cũng không thể nghỉ liên tục, có nhiều hôm tôi đến cơ quan toàn cúi mặt xuống gầm bàn lau nước mắt. Đêm không ngủ được, tôi lăn lộn trên mạng, hỏi tìm thuốc khắp nơi, tìm hiểu các bệnh nhân ung thư trên thế giới, đọc các kinh nghiệm giảm đau của những bệnh nhân chia sẻ... Và cuối cùng thì duyên cũng đến, tôi được chị đồng nghiệp cũ giới thiệu tên 1 loại sản phầm từ thiên nhiên... tôi lại tiếp tục tìm hiểu thông tin và khẳng định đây chính là loại phù hợp cho mẹ mình...may mắn nhờ được chị bạn mua được từ chính nước sản xuất mang về cho mẹ uống và thấy có một chút hiệu quả, tuy nhiên những cơn đau vẫn ghé thăm... Tôi tiếp tục tìm hiều và biết thêm một số loại sản phẩm hỗ trợ khác, đúng lúc đó một người bạn giới thiệu về trường hợp bác sĩ Lê là bác sĩ chuyên khoa gan- giảng viên học viện quân y và cũng là bệnh nhân ung thư gan nhưng đã sống được > 10 năm sau khi phát hiện bệnh, nhiều báo đã viết về trường hợp này nên mọi người có thể search thông tin sẽ thấy ... Tôi xin nghỉ làm đến gặp anh ngay trong ngày hôm đó... xem vết mổ của anh dài ngang bụng, nghe anh kể về nỗi tuyệt vọng khi mới phát hiện bệnh và hành trình mổ cắt khối U, quyết định không điều trị bằng các phương pháp hóa xạ trị, anh sang Mỹ để tìm kiếm con đường cho chính mình. Anh cho tôi xem những sản phẩm anh đang dùng, những cái tên thật sự rất quen thuộc vì trước đó tôi đã tìm hiểu và mày mò khắp các trang web, dùng vốn tiếng Anh ko nhiều để tìm hiểu và đọc các nhận xét của những bệnh nhân đã sử dụng trên các trang web nước ngoài... Tôi thấy tràn ngập một niềm hi vọng, gọi điện về cho anh chị mà không giấu được sự xúc động và vui mừng, bởi tôi đã ko mù quáng tin mà đã có sự tìm hiểu khá chắc chắn rồi. 


Thực ra nếu gọi đúng thì những sản phẩm này là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc... và trên thế giới không một ai khẳng định nó có thể chữa khỏi bệnh chính vì vậy tôi không viết tên những sản phẩm đó lên đây... Nếu ai đó bị bệnh và dám tin, sẽ có duyên gặp được đúng những sản phẩm mình cần. 

Nhiều ngày qua, mỗi buổi sáng mở mắt ra việc đầu tiên là tôi gọi về nhà hỏi anh chị xem đêm qua mẹ cảm thấy thế nào, mỗi lúc gọi điện chỉ mong được nghe câu "Mẹ không đau" là vui cả một ngày, lúc nào anh chị nói "Mẹ đau, là ngày hôm đó tôi không được một phút bình yên". Càng gồng mình lên để tỏ ra vui vẻ như đã từng nói với mẹ trước đây lại càng thấy mình luẩn quẩn và bất lực vô cùng. Tôi vẫn nghịch ngợm trên facebook như không có chuyện gì xảy ra nhưng khi có ai nhắn tin hỏi " Mẹ dạo em/mày dạo này thế nào" là thực tại lại quay về, lại khóc. 

Tuy nhiên

Điều đặc biệt chính là điều mà tôi muốn nói là sau 2 tuần dùng loại thuốc đầu tiên, mẹ tôi đã có thể đứng dậy tự đi vệ sinh được, mặc dù khối u trong bụng vẫn to... Sau đó dùng thêm các loại thuốc của Bác sĩ Lê và đến hiện tại có những lúc mẹ bảo dễ chịu thoái mái như không có bệnh trong người, cơn đau có lúc ngừng hẳn...

Sinh- Lão- Mệnh- Tử là việc của Đất Trời. 

Mẹ tôi đã già, khối u đã rất to, việc làm tan khối u và mạnh khỏe trở lại là điều không tưởng tuy nhiên những kết quả như bây giờ thực sự là một điều kỳ diệu, giống như một phép màu vậy, dù chẳng biết phép màu ấy dài bao lâu, tính ngày, tính tháng, hay tính năm, nhưng qua những ngày nguy kịch chúng tôi vẫn đang có mẹ, dù không khỏe được như xưa nhưng thể trạng có tiến triển và không đến mức tuyệt vọng như trước đây...Đó thực sự là điều quý giá và may mắn rồi.  

Tôi chỉ muốn nói rằng, những bệnh nhân ung thu và những gia đình có bệnh nhân ung thư hãy đừng ngừng hi vọng, đừng ngừng chiến đấu... điều kỳ diệu có thể xảy ra với ai đó, đặc biệt nếu các bệnh nhân còn trẻ, còn sức khỏe thì việc có thể kéo dài sự sống >10 năm tiếp theo là điều hoàn toàn có thể. 

Những gì mà tôi tìm hiểu được cũng chỉ ra rằng- Đối với Ung thư hóa xạ trị không phải là phương pháp tốt nhất, Bệnh nhân cao tuổi và sức yếu thì không nên phẫu thuật, còn nếu bệnh nhân còn trẻ, dựa trên việc chỉ định của bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ khối U. Và điều quan trọng nhất là sống vui vẻ, bình yên, có thú vui riêng, luyện tập hít thở đúng cách, cùng với chế độ ăn sạch và dùng các thực phẩm chức năng mà tôi đã nói ở trên là có thể khống chế được các tế bào phát triển. Ngoài ra tinh thần tốt, buông bỏ tất cả mọi tham sân si cũng là cách để cho các tế bào ác tính không có cơ hội phát triển, Toan tính, giận dữ, bực bội, stress cũng là những nguyên nhân gây nên nhiều bệnh mà trong đó sự phát triển của U bướu là điều hiển nhiên. 

HÃY TIN RỒI ĐIỀU KỲ DIỆU SẼ XẢY RA.




Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Hạnh phúc là gì


Có một người giàu và một người nghèo cùng tranh luận thế nào là hạnh phúc.

Người nghèo nói:

– Hạnh phúc chính là hiện tại.

Người giàu nhìn người nghèo ăn bận quần áo cũ rách, ở trong chòi tranh lụp xụp, nói giọng khinh miệt:

– Vậy mà ngươi có thể gọi là hạnh phúc? Hạnh phúc của ta là tòa nhà trăm gian lộng lẫy nguy nga, là nô bộc cả ngàn người!

Cuộc đời biến đổi vô thường, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi tòa nhà trăm gian của người giàu, rồi tất cả nô bộc đều bỏ đi, người giàu chỉ trong một đêm biến thành kẻ ăn mày.

Người ăn mày lang thang xin ăn giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, đi ngang qua chòi tranh của người nghèo, muốn xin nước uống. Người nghèo bưng ra một bát nước trong, hỏi:

– Thế bây giờ ông cho rằng cái gì là hạnh phúc?

Người ăn mày đáp:

– Hạnh phúc chính là bát nước ở trong tay ông lúc này đây…

BÀI HỌC:


Khi con chim còn sống, nó ăn kiến. Khi chim chết, kiến ăn nó.

Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,

Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng khinh thường, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.

Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,

nhưng đừng quên rằng, thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.

Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,

nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.

Hãy là người tốt và làm những điều tốt.

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

NÓI VỚI ĐAU

ĐAU ơi mày từ đâu đến
Quay về chốn ấy được không
Loanh quanh bên mẹ tao mãi
Mày không thấy mệt hả Đau?
Mày cứ tung tăng như vậy
Không thấy mẹ tao khổ sao
Đau đớn quằn quai không ngủ
Làm sao đủ sức vui cười
Mày ngoan thì đi mau thôi
Cho mẹ tao nghỉ một chút
Cuối đời mẹ cần thảnh thơi.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Chúc mừng sinh nhật con gái

Ngày mai sinh nhật cô gái rồi- Tối nay mẹ lật giở kho ảnh kỷ niệm mới thấy bị mất quá nhiều, Biết bao nhiêu kỷ niệm không còn tìm thấy nữa, nhưng vẫn còn sót lại vài tấm ảnh thời thơ bé của con 

Tặng con Album " Mẹ là Mưa - Con là Nắng. Hai mẹ con mình là màu hi vọng". Mãi mãi như vậy con gái à.





Chúc mừng sinh nhật con gái. Vẫn như mọi năm, mẹ chỉ mong con luôn VỮNG VÀNG- KHÔN NGOAN- ĐỘC LẬP và LUÔN CỨNG CÁP nhé cô gái

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

Những người đàn bà U60 làm mất mĩ quan đô thị.

Hôm nay một người quen cũ (là một nhà báo, cũng một người dùng facebook khá nổi tiếng. Bạn ấy là bạn đồng môn với mình 18 năm trước) có viết về những phụ nữ U60 lúc nào cũng xúng xính váy áo lòe loẹt show hình trên Facebook. Xin lỗi nếu bạn có vô tình đọc được bài viết này của mình nhé...
Trước hết phải nói rằng cá nhân mình và vài người bạn gái thân của mình đôi khi cũng nói về các chị sồn sồn liên tục show hình trên facebook và cũng đã nói với nhau tự dặn lòng mình thêm tuổi nữa sẽ cố gắng để không như vậy? Nhưng không biết chừng suy nghĩ lúc đó sẽ khác và sẽ cũng vẫn làm như vậy thì sao....
Tuy nhiên chúng ta, đặc biệt là những người đàn ông nên ưu ái nhiều hơn với những phụ nữ đã đi qua bao nhiêu mùa giông bão... Đến tuổi xế chiều rồi vẫn chưa cảm thấy được an nhiên, Có những người tìm niềm vui qua Khiêu vũ, có người đi cặp bồ với những cậu thanh niên ít hơn cả chục tuổi, Nhưng có rất nhiều người niềm vui chỉ còn có thể chia sẻ với những người bạn cùng trang lứa, lưu giữ lại những hình ảnh tuổi 60, những khoảnh khắc đẹp của lứa tuổi đó, tại thời điểm đó,vào giây phút đó.... Đọc những bình luận của bạn bè cùng trang lứa, những lời động viên của thế hệ trẻ... Ấy vậy mà vui, mà thêm động lực yêu đời... Ấy vậy mà đủ năng lượng chăm sóc gia đình con cháu nhiều hơn nữa...Có khi là đủ năng lượng để tiếp tục cố gắng như đã từng cố gắng để sống với người đàn ông không tốt nốt phần đời còn lại.
Mình có 4 chị gái... Chị cả mình cũng xấp xỉ U60, và có rất nhiều chị bạn cũng xấp xỉ tuổi đó... Mình ngưỡng mộ các chị cả đời phấn đấu vì con cháu... và luôn tự hỏi, các chị ấy sẽ làm gì để vui khi con cái đã lớn hết rồi, quay lại nhìn thì tuổi trẻ và những đam mê cũng trôi vuột theo thời gian vào nơi xa xăm nào đó... Mãi mãi, vĩnh viễn, tuyệt nhiên không bao h có thể quay lại được....
Và một ngày đẹp trời, mình bỗng thấy chị gái cả mình xuất hiện trên Facebook, mình thấy vui.... Bởi ở đó chị gặp được những người bạn từ muôn năm cũ, xem được hoạt động của em, con, cháu... định hướng cho thế hệ sau phải sống thế nào...
Không nói đến những người thích khoe những hạnh phúc không thật trên facebook, hoặc những hình ảnh long lanh khác xa đời thực trên facebook (nhưng phim ảnh bao h mà chẳng đẹp hơn bởi người ta chỉ chọn khoảnh khắc đẹp, góc hình đẹp thôi mà, giống như chúng ta chỉ nhìn vào những mặt tích cực thì ai cũng đẹp, cũng tốt) thì Facebook là một cuộc sống THẬT, niềm vui mà facebook mang đến là thật...Chỉ có điều người sử dụng Facebook phải dùng cả trái tim và khối óc để cảm nhận, phân tích thật giả đúng sai mới không bị dẫn dắt vào mê cung ảo....
Mình ít bày tỏ quan điểm cá nhân trên Facebook để tránh thị phi cơ mà hôm nay hơi lan man chút mất rồi, Giờ quay lại chủ để chính về những phụ nữ U60 show hình váy áo xập xòe trên facebook.
Bản thân mình nghĩ... Những phụ nữ U60 Họ không còn nhiều thời gian để níu kéo tuổi trẻ, níu kéo những niềm vui, có khi có những niềm vui họ chưa bao giờ được chạm tới... Vậy hãy để họ bung lụa trên facebook như một niềm vui tuổi già, hãy động viên nếu họ là bạn bè của mình... Niềm vui cho đi sẽ còn lại mãi mãi... Đừng dùng ngôn từ như những mũi dao lam, vạch thêm vào những niềm vui không trọn vẹn, vạch vào tuổi xế chiều của những người phụ nữ đã quá nhiều vất vả hi sinh.... họ mặc những bộ váy áo lòe loẹt, xòe xoẹt đó để che giấu đi những thứ khủng khiếp mà năm tháng và những nỗi buồn đã đánh dấu trên cơ thể, trên làn da của họ.... Họ không thể xinh đẹp, mơn mởn mỡ màng như những cô gái đôi mươi, nhưng với họ khoảnh khắc đó là tuổi trẻ của ngày mai.
Và đây, rất tự hào để khoe những phụ nữ U40,50,60,80 của nhà mình đây... Nếu mẹ mình còn có thể nhanh nhạy để dùng mạng, chắc chắn mình sẽ lập facebook cho mẹ để mẹ có thể hàng ngày ngắm nhìn con, cháu, chắt qua facebook, biết được chúng nó đang làm gì, như thế nào....

Các chị ạ, hãy AN NHIÊN theo cách của mình, cứ chụp ảnh, show hình nếu các chị muốn... Ai rồi cũng lớn.... Ngày hôm nay các cô gái U20,30 có thể chê bai, dè bỉu các chị... Nhưng vài ba chục năm nữa, họ cũng sẽ phải dùng một cách nào đó để ru ngủ tuổi già, tìm kiếm niềm vui như các chị mà thôi....
Đi gần nửa cuộc đời em đã trải ngiệm và thấu hiểu. Phụ nữ dù giàu nghèo, khôn dại thì cuộc đời này đều sẽ có những vất vả và cả những nỗi buồn giống như nhau mà thôi...
Chính vì vậy mà ngày hôm nay, em đã không dừng lại để làm những việc mà mình thích... và luôn chỉ làm những việc mình thích. Việc gì mình không thích mà vì lý do gì đó bắt buộc phải làm thì chỉ có thể trong thời gian ngắn... Sẽ không bao h luôn luôn làm những việc mình không thích. Bởi những việc đó sẽ lấy đi nhanh hơn, tuổi trẻ và nụ cười của chính chúng ta.
Phụ nữ à, ở lứa tuổi nào thì cũng cứ bung lụa thoải mái đi các chị, ngày mai các chị có muốn cũng không còn làm được nữa đâu.